Đậu cô ve leo còn gọi là đậu trạch, đậu bở, đậu trạch lai là cây ưa ánh sáng, do vậy rất cần giàn để leo. Cây có bộ rễ lớn ăn sâu nên khả năng chịu hạn khá.
Đậu cô ve leo thuộc nhóm cây chịu lạnh. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển và tạo quả 18o - 22oC. Tuy nhiên, ở nhiệt độ thấp hơn (8o - 10oC) cây vẫn chưa bị tổn thương như đậu tương hoặc đậu vàng. Đậu cô ve leo (đậu trạch, đậu bở, đậu trạch lai) là cây ưa ánh sáng, do vậy rất cần giàn để leo. Cây có bộ rễ lớn ăn sâu nên khả năng chịu hạn khá.
1. Thời vụ. Đậu cô ve leo có thể trồng 2 vụ trong năm:
- Vụ Xuân: gieo hạt từ tháng giêng đến tháng 3.
- Vụ Thu: gieo hạt vào tháng 9 – 10.
2. Làm đất, bón phân và gieo hạt
Sau khi làm đất lên luống với kích thước: rộng 1m, cao 0,2m, rãnh luống 0,2 – 0,25m. Mỗi hecta bón lót 10 – 15 tấn phân chuồng hoai mục, 150 kg supe lân và 50 kg kali clorua. Gieo 2 hàng trên luống và khoảng cách hàng 60cm, khoảng cách hạt 12 – 15cm. Lượng hạt gieo 55-60 kg/ha (2kg/sào). Gieo xong phủ một lớp đất bột dầy 1 cm. Do cấu tạo vỏ hạt mỏng, khả năng hút trương nhanh nên không vội tưới. Sau 1-2 ngày dùng ô-doa tưới nhẹ mặt luống.
3. Chăm sóc đậu cô ve
Do đậu cô ve leo có bộ lá lớn, hệ số thoát hơi nước cao nên phải thường xuyên giữ ẩm đất, nhất là thời kỳ cây ra hoa, tạo quả. Thời điểm này cần độ ẩm đất thường xuyên 70%. Nhu cầu phân bón cho đậu không cao, nhưng ngoài lượng phân lót, mỗi ha có thể bón thúc thêm 30kg đạm urê và 30kg kali/lần vào 2 thời điểm: cây ra tua cuốn và lúc rộ hoa.Khi cây có tua cuốn, cần làm cỏ, xới vun và bón thúc; sau đó cắm giàn ngay cho cây leo. Mỗi hecta cần 50.000 cây dóc cắm (mỗi sào 1.700 cây). Khi cây có hoa tiến hành tỉa dần lá già, những lá bị bệnh, những khoảng giữa có mật độ lá đậm đặc để tạo sự thông thoáng cho cây, tăng khả năng tạo quả.
4. Phòng trừ sâu bệnh trên đậu cô ve. Các loài sâu bệnh hại chính
- Ruồi đục lá Liriomyza sativae Blanch.:
Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì lá ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá. Thường xuất hiện và gây hại suốt thời gian sinh trưởng của cây nhưng mật độ cao thường ở thời kỳ cây bắt đầu ra hoa – quả, chúng có khả năng gây hại nặng ở vụ xuân.
- Rệp Aphis craccivora Koch:
Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con, trên đậu cô ve leo chúng thường gây hại nặng vào các tháng 3-4 và cuối tháng 9-10.
- Nhện đỏ Tetranychus cinnabarinus Boisd.:
Nhện gây hại trên lá là chủ yếu, chúng thường gây hại nặng trên đậu cô ve vụ thu đông khi thời tiết hanh khô, chăm bón kém.
- Sâu đục quả đậu Maruca vitrata Geyer:
Chúng gây hại trên nụ, hoa, quả là chính, khi mật độ cao chúng gây hại cả trên búp lá non. Đậu cô ve vụ thu đông sớm thu quả cuối tháng 9-10 bị hại nặng hơn vụ xuân thu quả tháng 3-4. Đỉnh cao mật độ thường vào lúc hoa – quả rộ đầu vụ thu hoạch khi thời tiết ấm. Chính vụ khi thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp ít khi bị sâu đục quả gây hại.
- Bệnh lở cổ rễ:
Do nhóm nấm trong đất xâm nhập và gây hại (gây ra bởi các nấm trong đất nhưFusarium sp.; Pythium sp.,…). Chúng xâm nhập vào cây đậu cô ve qua hệ rễ sau đó làm chết cây.
- Bệnh thán thư Collectotrichum sp.:
Bệnh gây hại cả trên lá, thân, cành quả. Đậu cô ve vụ thu đông thường bị hại nặng hơn vụ xuân.
- Bệnh phấn trắng Erysiphe cichoracearum:
Bệnh xuất hiện suốt thời gian sinh trưởng của cây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên đậu cô ve vụ xuân sau đó đến thu đông. Ngoài ra trên đậu cô ve còn xuất hiện một số loài sâu bệnh hại khác như ruồi đục quả, sâu xanh, bọ trĩ, sâu róm, bệnh đốm xám,… chúng cũng xuất hiện và gây hại cục bộ tuỳ theo từng năm. Biện pháp phòng trừ tổng hợp:
* Biện pháp canh tác:
- Thu gom, tiêu huỷ tàn dư cây đậu và các cây trồng khác vụ trước ngay sau khi thu hoạch.
- Cày đất, để ải đất 2 – 3 tuần.
- Áp dụng luân canh và xen canh đối với đậu ăn quả, tốt nhất nên luân canh với cây lúa, luân canh & xen canh với rau họ thập tự như bắp cải, su hào, cải ăn lá… không luân canh & xen canh với các cây họ bầu bí, họ cà.
- Bón phân, chăm sóc, tưới nước hợp lý. Làm cỏ xới xáo kịp thời để giảm sự cư trú của sâu hại, kết hợp ngắt, bắt các ổ trứng hoặc sâu non mới nở của sâu khoang, sâu róm,…
* Biện pháp sinh học:
- Bảo vệ duy trì phát triển quần thể những thiên địch tự nhiên (bọ rùa, dòi ăn rệp, nhện bắt mồi, các loài ong ký sinh) bằng cách sử dụng thuốc hoá học hợp lý, không phun thuốc trừ sâu định kỳ trên đậu ăn quả.
- Sử dụng Elincol 12ME, Vertimex 1.8EC để trừ dòi đục lá đậu
* Biện pháp hoá học:
- Giai đoạn cây con từ gieo hạt đến trước khi cây ra hoa:Nếu ruồi đục lá đậu, rệp đậu màu đen, nhện đỏ, bọ trĩ phát sinh gây hại cục bộ thì sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu sau: Sherpa 25EC, Elsin 10EC, Confidor 100SL, Ortus 5SC, Comite 73EC. Giai đoạn này chỉ cần phun thuốc 1 hoặc 2 lần vào thời điểm khoảng 20 – 35 ngày sau trồng.
- Giai đoạn từ khi ra hoa đến kết thúc thu hoạch: Việc dùng thuốc trừ sâu ở giai đoạn này chủ yếu để trừ sâu đục quả đậu, ruồi đục lá đậu,… Nên dùng các loại thuốc sau: Elincol 12ME, Sherpa 25EC, Sumicidin 20EC, Fastac 5EC, các loại thuốc Bt. Thời điểm phun thuốc tốt nhất là lúc cây đậu có hoa rộ và bắt đầu có quả (khoảng 55 – 60 ngày sau trồng). Phun thuốc 3 lần, khoảng cách giữa các lần phun từ 5 – 7 ngày.
Khi phun thuốc cần lưu ý:
+ Các loại thuốc hoá học cần sử dụng đúng liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.
+ Trước mỗi đợt phun thuốc phải thu hoạch hết những quả đạt tiêu chuẩn thu hái. Trong thời gian đang thu hoạch quả chỉ sử dụng các thuốc thuộc nhóm Pyrethroit, thuốc sinh học thời gian cách ly tối thiểu là 3 ngày.
5. Thu hoạch
Trong vụ xuân, lứa đầu được thu sau 50-60 ngày, vụ thu muộn hơn 10 ngày. Thu quả đủ độ chín nhưng không già (quả chuyển từ xanh đậm sang xanh nhạt, thấy rõ vết hạt ở thân quả). Vào thời điểm rộ, thu mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm. Trường hợp phải phun thuốc hoá học có thời gian cách ly ngắn từ 2-3 ngày, thu sau phun 3 ngày, loại bỏ quả già, chỉ sử dụng quả đủ chất lượng thương phẩm