Những mô hình hiệu quả
Dù đang là đỉnh điểm hạn hán ở Tây Nguyên nhưng vườn cà phê và tiêu nhà anh Nguyễn Bá Hán ở thôn 15, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk vẫn phát triển tươi tốt, lá xanh rờn. Lý giải về điều này, anh Hán cho biết, gia đình đã áp dụng tưới nước tiết kiệm nước theo công nghệ nhỏ giọt cho vườn tiêu, cà phê được 2 năm 6 tháng. Với giếng đào sâu 27m (hiện có 2m nước), nhưng do được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đồng bộ nên anh vẫn tưới đủ cho diện tích vườn cà phê, tiêu rộng hơn 1ha.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh thăm mô hình sản xuất cà phê hiệu quả ở Cư Kuin, Đăk Lăk. Ảnh: H.K
“Cách làm mới này, hiệu quả rất rõ rệt. So với cách làm truyền thống, hàng năm mình phải cào lá, bón phân một mùa mưa khoảng 3 đợt, theo giá bây giờ 1,5 triệu đồng/lượt, tính ra tiết kiệm được 4,5 triệu tiền công. Và nhà nào không có lao động thì phải thuê nhân công, một mùa tưới tốn từ 4-6 triệu đồng tiền công. Hơn nữa, việc tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm một nửa lượng nước mà còn giảm được 30-35% lượng phân bón. Trong khi năng suất cà phê lại cải thiện tăng, năm đầu chưa tăng nhưng năm thứ hai tăng 500 tạ/ha và trong năm 2015 tăng được 7-8 tạ/ha” – anh Hán hồ hởi chia sẻ.
Anh Nguyễn Lê Trung (thôn 7, xã Eahok, huyện Cư Kuin) cũng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây hồ tiêu từ năm 2015. Từ ngày áp dụng công nghệ tưới này, anh thấy cành, lá tiêu phát triển mạnh và đẹp hơn, lá lúc nào cũng luôn xanh tươi.
“Tưới dí trước đây chỉ là tưới thoáng trên mặt đất, nhưng với cách tưới nhỏ giọt là tưới âm dưới đất nên giữ ẩm được nhiều hơn. Tiện lợi hơn là hệ thống tưới này tích hợp cả việc bón phân nên mình không mất nhiều công sức, thời gian như trước” – anh Trung nói.
Cùng với biện pháp tưới tiết kiệm, nông dân cũng sáng tạo trong việc tìm cách chống hạn cho cây trồng. Rất nhiều mô hình bà con đã biết lấy vật liệu như thân cành khô ủ vào gốc cây; dùng các loại cây khác nhau làm cây che bóng, đặc biệt trong tái canh cà phê. Làm như thế, vừa có thể cung cấp chất hữu cơ, giảm bốc hơi nước, vừa đảm bảo cho việc giữ ẩm tốt hơn cho cây trồng.
Chỉ dừng ở mô hình, chưa được nhân rộng
Vấn đề là với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, từ 50-80 triệu đồng/ha, đây là mức kinh phí mà không dễ gì nông dân có thể bỏ ra triển khai việc tưới tiết kiệm, nhất là với cây cà phê. Dù giá cà phê đang tăng trở lại, khoảng 33.000-35.000 đồng/kg, nhưng với mức giá ấy người dân làm tốt mới hòa vốn, không có lời. Như vậy, nếu phải đầu tư một lúc với số tiền ít nhất là 50 triệu đồng/ha thì không mấy ai đủ khả năng để làm.
Với những hộ trồng hồ tiêu, dù mỗi ha có thể đem lại thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, nhưng nếu để tự bỏ tiền ra đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt thì họ vẫn không dám. Trên toàn huyện Cư Kuin – nơi có khoảng 3.500ha tiêu – mới chỉ có duy nhất gia đình anh Trung áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. “Người dân sợ đầu tư vào hệ thống tưới như vậy tiêu sẽ chết. Bên cạnh đó, họ so sánh giữa các hệ thống tưới khác rẻ hơn, như tưới béc 4 gốc giá khoảng 2 triệu/sào, trong khi tưới nhỏ giọt là 6-8 triệu đồng/sào” – anh Trung cho hay. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng tỏ ra e ngại về việc bảo vệ hệ thống tưới này. Bỏ ra một khoản tiền đầu tư lớn, nhưng nếu bị lấy cắp thiết bị hoặc phá hoại thì sẽ thiệt hại rất lớn.
Ngày 29.3, tại Đăk Lăk, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk đã họp bàn về đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào trong sản xuất, góp phần giảm bớt thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo, trước mắt, cần tiết kiệm nước triệt để, tưới để duy trì, giữ lại các vườn cây; Thứ hai, tận dụng chất hữu cơ để ủ gốc nhằm giữ ẩm, tránh thoát hơi nước.
Về lâu dài cần tăng cường các biện pháp tích trữ nước hiệu quả; đẩy mạnh công nghệ tưới tiết kiệm. Thứ trưởng giao Viện Khoa học thủy lợi chủ trì cùng các doanh nghiệp nghiên cứu các mô hình tưới tiết kiệm phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vùng trồng để sớm nhân rộng, phổ biến cho bà con nông dân áp dụng.
Duy Hậu
Nguồn : www.tintucnongnghiep.vn