Ô mai, mứt Tết
Ngày Tết, đến thăm bất kỳ gia đình Việt nào cũng bắt gặp hình ảnh hộp bánh mứt, ô mai đặt trang trọng trên bàn uống nước. Trước là để đãi khách đến chơi nhà, sau là để cả gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức. Nhiều loại bánh mứt được bày trên cùng một khay còn hàm ý mong muốn sự sum vầy, hòa hợp đoàn viên.
Ô mai cũng là một thứ quà kết tinh từ biết bao sản vật của đất trời như quả tươi trên rừng, muối mặn nơi biển cả… kết hợp với sự khéo léo của những bàn tay lao động. Quả ô mai nhỏ nhưng chứa cả vị chua, cay, mặn, ngọt… mang ý nghĩa tiễn biệt nỗi buồn và chào đón niềm vui trong khoảnh khắc giao thừa. Nhâm nhi miếng ô mai, mứt Tết cùng tách trà nóng không chỉ là thú vui đầu xuân mà còn là hình ảnh mang giá trị truyền thống của các gia đình Việt.
Bánh chưng
Bánh chưng không chỉ đơn thuần là một món ăn lấy no mà còn chứa đựng cả bề dày lịch sử của dân tộc, là biểu tượng cho tính cộng đồng của nền nông nghiệp lúa nước. Theo quan niệm của người Việt cổ, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, cũng là nơi vạn vật sinh sôi nảy nở. Bánh được làm từ những thức ăn quen thuộc như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… thể hiện sự hài hòa âm dương trong ẩm thực cũng như trong cuộc sống.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, trong mâm cơm của các gia đình Việt không thể thiếu bánh chưng xanh. Hình ảnh người người nhà nhà quây quần gói bánh, hàn huyên bên nồi bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng chỉ có trong ngày Tết Việt Nam.
Bánh tét
Loại bánh quen thuộc này ban đầu có tên gọi là bánh tết, do ảnh hưởng của văn hóa vùng miền mà bị đọc lệch đi thành bánh tét như ngày nay. Tét cũng chỉ cách thức cắt bánh độc đáo, người ăn phải cầm đầu dây khoanh tròn đòn bánh đã lột vỏ, "tét" từng khoanh một đơm lên đĩa.
Nếu như bánh chưng là cái hồn ẩm thực của Tết miền Bắc thì bánh tét chính là nét đặc trưng trong bữa cơm Tết của người miền Nam. Hai loại bánh này mang ý nghĩa văn hóa tương đồng với nhau, điểm khác biệt nằm ở khẩu vị vùng miền. Người miền Nam có xu hướng thưởng thức bánh tét với đường để hy vọng một năm mới ngọt ngào, hạnh phúc.
Dưa hành
Người xưa có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ẩm thực người Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị, vì thế đi kèm với sự đậm đà, ngầy ngậy của bánh chưng, thịt mỡ…không thể thiếu món dưa hành thanh mát, chua cay.
Trước đây, cuộc sống còn nghèo đói, người ta chỉ cần cặp bánh chưng và hũ dưa hành là bữa ăn đã mang hương vị Tết. Giờ đây, cuộc sống đã đủ đầy nhưng không phải vì thế mà người Việt quên đi món ăn tình nghĩa ngày nào. Bên cạnh nhiều món sơn hào hải vị vẫn còn đó bát dưa hành thơm thảo do chính tay mẹ tự muối. Việc nêm nếm sẽ có sự khác nhau giữa các vùng miền: người Nam nêm đường, người Bắc nêm ớt… cốt làm sao tạo sự hài hào, vừa vặn với mâm cơm.
Hạt bí, hạt dưa
Bên cạnh hộp bánh mứt - ô mai, đĩa hạt bí - hạt dưa cũng là một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Khi đến xông đất nhà người thân, bạn bè, câu chuyện đầu năm sẽ trở nên vui vẻ, ấm cúng hơn nhờ tiếng lách tách của hạt bí, hạt dưa, hạt dẻ… Hạt dưa nhuộm đỏ đem lại sắc hồng cho đôi môi ai đó, hạt bí với tiếng vỡ vui tai cùng vị ngọt béo, quyến rũ khó quên.
Chế biến hạt bí, hạt dưa cũng là cả một nghệ thuật, nên lựa chọn những hạt chắc, mẩy, không bị mốc. Hạt bí, hạt dưa phải được bảo quản trong hộp có nắp đậy để giữ được độ thơm giòn đặc trưng.