Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, xuyên suốt trong công tác hội và phong trào ND trong những năm tới là bảo vệ ND; tăng cường hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo ND và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị điển hình. Trong 3 nhiệm vụ nêu trên thì bảo vệ nông dân là số 1. Các nhiệm vụ sau thực chất cũng là hỗ trợ, bổ sung làm cho hiệu quả thực hiện nhiệm vụ số 1 của các cấp Hội NDVN thêm rõ nét…
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn tiếp xúc cử tri tại Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly
Nông dân còn thiệt thòi, yếu thế
Qua 1 năm ND phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có, sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung… đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống của ND. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước cùng sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ND nên ngành nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng 1,36%. Từng hạt gạo, cà phê, hạt tiêu cho tới con tôm, con cá, cây rau, củ, quả… đều là sự chắt chiu sức lao động, cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo của người ND.
Bên cạnh thành tựu phát triển của kinh tế-xã hội trong năm qua với xu thế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, cũng đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ND. Đó là quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn. Không ít trường hợp, người ND bị đứng ngoài lề bởi các dự án đô thị hóa, công nghiệp hóa, ít được hưởng lợi trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Đất sản xuất nông nghiệp của ND liên tục bị thu hồi, không còn chủ quyền sinh kế trên mảnh đất ngàn đời của họ. Việc thực thi chính sách đền bù, giải tỏa, tạo việc làm cho ND nhiều nơi làm chưa đúng; sản xuất nông nghiệp manh mún, ND thu nhập thấp, nông thôn nhiều địa phương chủ yếu còn người già và trẻ nhỏ; ND phải cõng nhiều khoản đóng góp, nhiều nơi đã lạm thu, thậm chí cán bộ lợi dụng xây dựng nông thôn mới để tham nhũng…
Ông Lều Vũ Điều – Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN tặng quà cho ngư dân Quảng Bình bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Ảnh: P.P
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, khoáng sản bị khai thác cạn kiệt mà ND phải hứng chịu hậu quả, vẫn chưa cải thiện; tín dụng đen, bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng nhái từ vật tư nông nghiệp cho đến hàng tiêu dùng cũng đang bủa vây nông thôn, ND…
Từ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học cho tới ND cơ bản đều nhất trí với nhận định rằng, ND hiện nay có 5 cái nhất: Nghèo nhất, nhiều bức xúc nhất, hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất và hưởng lợi từ thành tựu công cuộc đổi mới ít nhất. Vậy tại sao trong quá trình đổi mới, ở thời kỳ hội nhập, ND lại chịu thiệt thòi, địa vị yếu thế? Chúng ta phải làm gì để nông dân đỡ bị thiệt thòi? Đáp số của bài toán là: Bảo vệ ND.
Nhưng để đi đến đáp án đó, các cấp Hội NDVN phải có trách nhiệm tham gia tìm cách giải, thực hiện cách giải… Là tổ chức đại diện cho giai cấp ND mà không bảo vệ được ND bằng pháp luật, không làm được điểm tựa vững chắc khi gặp rủi ro, khó khăn của ND thì Hội NDVN không có vị trí trong xã hội, không làm tròn bổn phận thiên chức của nó.
Vào cuộc ngay từ khi xây dựng chính sách
Về cơ bản đến nay đã có đủ cơ sở pháp lý để Hội NDVN thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND… Vấn đề hiện nay là Hội NDVN các cấp phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền các cấp để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, phải đổi mới tổ chức và hoạt động để đoàn kết, tập hợp ND, phát huy vai trò chủ thể của ND trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan sát sườn đến lợi ích thiết thân của ND. Trên cơ sở chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình hành động của Chính phủ, các địa phương căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Hội NDVN các cấp phải tập trung rà soát, tham gia giám sát, phản biện việc thực hiện các cơ chế, chính sách này ở địa phương.
Qua rà soát, giám sát, chính sách nào phát huy hiệu quả thì cần có đề nghị tiếp tục thực hiện, chính sách nào chưa phát huy hiệu quả, bất cập ở điểm nào, khâu thực hiện nào thấy khó khăn thì cần có đề xuất, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung; chính sách nào cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng về phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn thì Hội NDVN cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất. Có như vậy Hội NDVN mới chăm lo, bảo vệ quyề lợi chính đáng, hợp pháp của ND, là đại diện cho nông dân thương thảo với các doanh nghiệp, giúp ND liên kết, hợp tác sản xuất hiệu quả.
Ở nơi nào, địa phương nào ND đang có những bức xúc vì thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, về tín dụng đen, bán hàng đa cấp, lạm thu trong xây dựng nông thôn mới… thì ở đó Hội ND phải trực tiếp vào cuộc ngay, nắm bắt tình hình và phải có báo cáo cấp ủy, chính quyền, báo cáo với Hội ND cấp trên. Những việc làm này tại không ít địa phương, Hội ND chưa làm tích cực, nếu không muốn nói là có nơi thiếu trách nhiệm, còn né tránh… Để có thông tin, trong năm qua, T.Ư Hội NDVN đã thành lập tổ chuyên theo dõi, thống kê và tìm hiểu rõ thêm thông tin về các vụ việc liên quan đến ND, nông thôn để từ đó có cơ sở báo cáo, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước…
Không chỉ tích cực rà soát, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, ND, nông thôn đã có, Hội NDVN các cấp còn phải chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách mới. Tham gia ngay từ đầu trong việc hình thành chính sách là 1 trong những giải pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ND một cách hiệu quả.
Nguồn: www.tintucnongnghiep.vn