Đến thời điểm này các cây màu vụ đông như ngô, khoai lang, đậu tương đã hết thời kỳ chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch, khoai tây thời vụ trồng từ ngày 15/10 đến 15/11, như vậy đã cơ bản trồng xong.
Các cây rau vụ đông chính vụ đang trong thời vụ. Vụ đông đã trở thành vụ chính, các cây trồng sống trong thời tiết giá lạnh nên ít sâu bệnh, một số loại rau cao cấp phát triển trong điều kiện thời tiết rất thích hợp nên cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên bà con nông dân cần nắm vững đặc điểm từng loại cây trồng về yêu cầu đất đai, chế độ dinh dưỡng để lựa chọn loại phân và cách bón phù hợp để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất chất lượng cao, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ kinh nghiệm thực tế đại đa số nông dân đã chọn phân Văn Điển để bón cho các cây rau, màu vụ đông rất hiệu quả. Khoai tây có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng đất thích hợp là cát pha, thịt nhẹ có độ pH từ 5,2 - 6,4; đất dễ thoát nước. Sau trồng 20 - 25 ngày củ hình thành, thời gian ra củ từ 30 - 50 ngày, thân lá đạt tối đa khi ra nụ.
Thời kỳ hình thành củ yêu cầu dinh dưỡng đầy đủ, nếu thiếu thì củ hình thành chậm, ít và kéo dài. Phát triển củ tăng nhanh sau trồng 50 - 60 ngày, dinh dưỡng thiếu sẽ giảm năng suất, phẩm chất kém. Là cây có năng suất cao nên yêu cầu phân bón nhiều.
Để cho 1 tấn củ khoai tây cần 4 - 4,5kg N; 2 - 2,2kg P2O5; 8 - 10kg K2O. Kali cần nhiều nhất nên người ta thường nói khoai tây là cây ưa kali. Thiếu đạm thân lá phát triển kém, củ ít nhỏ, năng suất thấp. Lân giúp tăng số lượng củ, tăng khả năng chống nóng, chống rét, tăng năng suất và chất lượng.
Kali cần nhiều nhất so với các chất dinh dưỡng khác, giúp tăng sinh trưởng bề mặt lá, kéo dài thời gian làm việc của lá giữa và lá gốc, tăng vận chuyển các chất dinh dưỡng về củ làm tăng năng suất và phẩm chất củ. Cây cần kali nhiều nhất vào lúc củ hình thành và phát triển mạnh.
Ngoài sản xuất đại trà thường bón đạm nhiều, bón ít kali, bón loại phân không có các chất trung và vi lượng nên khoai tây thường có biểu hiện thừa đạm, cây mềm yếu hay bị sâu bệnh gây hại nhất là bệnh héo xanh, khả năng chống chịu với các điều kiện thời tiết bất thuận như hạn, nóng, sương muối kém.
Bón đủ 2 loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển thúc và lót cho khoai tây sẽ khắc phục được những tồn tại trên, do phân có đầy đủ các chất đa, trung và vi lượng với tỷ lệ cân đối đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của cây.
Bón lót NPK 9-9-12 (20 - 25kg/sào). Bón vào đáy hốc cùng với phân hữu cơ ủ mục rồi lấp 1 lớp đất mỏng phủ kín phân, đặt củ giống (tránh phân tiếp xúc với củ giống). Bón thúc NPK Văn Điển 22-5-11 từ 15 - 20 kg/sào, chia đều cho 2 đợt. Đợt 1 sau trồng 15 - 20 ngày (cây cao 10 - 15cm). Rải phân vào mép luống giữa 2 hàng khoai, xới nhẹ, vun đất lấp kín phân và gốc (bón cách gốc 15 - 20cm). Kết hợp tưới nước đủ ẩm.
Đợt 2 sau đợt 1 từ 15 - 20 ngày (cây khoai được khoảng 40 - 45 ngày). Xới đất, làm cỏ, dải phân, vét hết đất ở rãnh, vun lên cao mặt luống phủ kín phân, kết hợp với tưới nước giữ đủ ẩm. Sản xuất rau ngoài năng suất mặt khác đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn rau an toàn rất quan trọng vì trong các loại thực phẩm thì người tiêu dùng nghi ngại nhất là rau.
Do tập quán nhiều vùng trồng rau chuyên canh qua nhiều năm nông dân sử dụng nhiều phân hóa học và phun nhiều thuốc BVTV (rau là một trong những loại cây trồng sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc BVTV nhất) nên không những làm ra sản phẩm không an toàn mà còn ô nhiễm đất, nước và không khí.
Một trong những điều kiện sản xuất rau an toàn là phải có đất và nước sạch. Đất và nước đã bị nhiễm độc do các chất độc hại tích tụ qua quá trình canh tác cây trồng sẽ hấp thụ vào dịch của tế bào. Phân lân Văn Điển không phải là phân hóa học, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn từ quặng khoáng thiên nhiên, vì thế rất phù hợp với canh tác nông sản theo hướng VietGAP và GlobalGAP, nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế đã xếp lân Văn Điển là loại phân hữu cơ cho nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Các cây rau vụ đông có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm cây rau dài ngày và nhóm cây rau ngắn ngày. Nhóm cây rau dài ngày (thời gian sinh trưởng từ 3 tháng trở nên) gồm su hào, cải bắp, cải củ, cà rốt, súp lơ, cà chua, đậu đỗ, cà, bầu bí, dưa…
Dựa vào đặc tính nhóm rau dài ngày lại chia làm 2 loại: Một là su hào, cải bắp, cải củ, cà rốt, su lơ, cà chua, đậu đỗ, cà… Các cây trên đều có yêu cầu phân bón nhiều nhất là kali, thích hợp với đất kiềm pH từ 6 - 6,5. Bón lót NPK Văn Điển 5-10-3 từ 20 - 25kg/sào. Đánh rạch hoặc cuốc hốc, bón phân, lấp đất tra hạt hoặc trồng con rau (tránh phân tiếp xúc với hạt hoặc con rau).
Bón thúc NPK Văn Điển 10-10-5 từ 20 - 25kg/sào. Thời điểm bón su hào khi bắt đầu phình củ; cải bắp khi trải lá bàng; cải củ khi củ to bằng ngón tay cái; đậu đỗ khi cây phân cành nhánh; cà chua khi bắt đầu có nụ.
Hai là (các cây thuộc họ bầu bí) như bầu, bí, dưa chuột, dưa hấu… phù hợp với đất tơi xốp, có độ phì cao, pH 6 - 7, yêu cầu nhiều phân bón. Bón lót NPK Văn Điển 5-10-3 từ 20 - 25kg/sào. Cuốc đất, bón phân, lấp đất, tra hạt hoặc trồng cây con (tránh phân tiếp xúc với cây). Bón thúc NPK Văn Điển 10-10-5 từ 20 -25kg/sào. Bón khi bắt đầu leo hoặc ngả ngọn bò. Cuốc hốc 2 bên gốc cây sâu 10 - 15cm, cách gốc 15 - 20cm, bón phân phủ đất kín (kết hợp tưới nước đủ ẩm).
Nhóm rau ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 3 tháng) như cải xanh, cải ăn lá, xà lách, rau diếp, rau gia vị… phù hợp với đất tơi xốp, có độ phì cao, đất kiềm có độ pH từ 6 - 7, cần ít phân bón. Bón lót NPK Văn Điển 5-10-3 từ 10 -15kg/sào. Rạch hàng hoặc cuốc hốc, bón phân, lấp kín đất, trồng con rau (tránh phân tiếp xúc với con rau).
Lân Văn Điển là loại phân đa yếu tố chứa đồng thời 20 chất dinh dưỡng trung và vi lượng. Tổng các chất dinh dưỡng nên đến 98%, tất cả các chất đều ở dạng dễ tiêu, không chứa chất độc hại, không có thành phần phụ.
Các loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển do thành phần chính có lân nên cũng có tác dụng như vậy. Nó khác một số loại phân NPK thông thường là ngoài đạm, lân, kali còn có các chất trung và vi lượng.
Phân NPK Văn Điển sản xuất theo phương pháp phối chế đạm và kali là bằng công nghệ vê viên 3 màu bằng Mg, S bọc đạm và kali nên hạn chế bị rửa trôi và bay hơi, không có chất phụ da nên thành phần dinh dưỡng cao, cây sử dụng được hầu hết, không để lại tồn dư chất độc hại cho đất và môi trường.
Nguồn NongNghiep.vn