Khó khăn, ngưng trệ hoạt động từ tháng 6/2020 đến nay, một doanh nghiệp lữ hành - du lịch cho biết, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp ít ý nghĩa, do doanh nghiệp ngành này hầu như không hoạt động được. Doanh nghiệp kỳ vọng được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và các khoản phí trong gói hỗ trợ mới.
"Thuế giá trị gia tăng tôi xin đề xuất với doanh nghiệp sản xuất giảm xuống 5%, với ngành lữ hành du lịch giảm từ 7% đến miễn giảm thuế. Tôi cũng đề xuất miễn hoàn toàn phí đường bộ và phí đăng kiểm cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải", ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội Hanotours, nêu đề xuất.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành da giày phải ngừng sản xuất, không có doanh thu. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, những chính sách về giảm thuế, phí là những hỗ trợ rất sát sườn. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp phải gánh trên 30 khoản thuế, phí khác nhau.
"Với gói 24.000 tỷ này, chúng tôi mong muốn rằng các khoản đó chi trực tiếp vào các khoản thuế, phí doanh nghiệp đang gánh. Hiện doanh nghiệp rất muốn giữ chân người lao động để sản xuất kinh doanh, nhưng các loại phí, chi phí người lao động phải chịu thì chúng ta cố gắng giảm", ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho hay.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, những gói hỗ trợ giãn, hoãn thuế, doanh nghiệp ngành này tiếp cận còn chậm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành da giày phải ngừng sản xuất, không có doanh thu. Hiệp hội kỳ vọng gói hỗ trợ mới sẽ có thời hạn dài hơn, từ 1 - 2 năm để doanh nghiệp đủ sức phục hồi.
Trước đó vào tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức đến hết năm 2021, ước khoảng 115.000 tỷ đồng.