Ở các tỉnh thành phía Nam, thời tiết hiện nay thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Dự báo trong 7 ngày tới bệnh đạo ôn có thể tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh - đòng trỗ. Khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện bệnh cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, không nên phối trộn nhiều loại thuốc hoặc sử dụng phân bón lá, phải hạn chế việc bón thêm phân đạm, luôn giữ đủ nước trong ruộng; Khi dùng thuốc cần đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”.
Ảnh minh họa
1. Trên lúa
a) Các tỉnh phía Bắc
- Chuột, ốc bươu vàng bệnh đạo ôn... tiếp tục phát sinh gây hại có xu hướng tăng trên lúa xuân trà sớm mới gieo cấy mức độ hại nhẹ, nặng cục bộ.
- Các đối tượng như: sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá, bọ trĩ, rầy nâu - rầy lưng trắng… mật độ, tỷ lệ thấp, hại nhẹ.
- Theo dõi diễn biến thời tiết, sử dụng tổng hợp các biện pháp chống rét cho mạ khi cần thiết.
b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên
- Đối với lúa đông xuân sớm giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ cần chú ý bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông; sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, chuột.
- Đối với diện tích lúa ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh các đối tượng bọ trĩ, sâu keo, sâu năn, dòi đục nõn… hại nhẹ.
c) Các tỉnh phía Nam
- Rầy nâu trên đồng phổ biến tuổi 4 - 5 và trưởng thành, gây hại chủ yếu ở mức trung bình; cục bộ một số nơi có mật độ cao tập trung ở giai đoạn đòng trỗ. Các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu không để xảy ra hiện tượng tượng cháy rầy và lan truyền bệnh virus hại lúa.
Kết quả giám định 90 mẫu rầy vào đèn của 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang phát hiện 1 mẫu nhiễm virus lùn lúa cỏ (RGSV) chiếm tỉ lệ 1,1%.
Đối với những nơi chưa xuống giống lúa đông xuân: Theo dõi diễn biến rầy nâu di trú và diễn biến của khí tượng thuỷ văn để xuống giống né rầy đợt cuối.
- Thời tiết hiện nay thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Dự báo trong 7 ngày tới bệnh đạo ôn có thể tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh - đòng trỗ. Khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện bệnh cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, không nên phối trộn nhiều loại thuốc hoặc sử dụng phân bón lá, phải hạn chế việc bón thêm phân đạm, luôn giữ đủ nước trong ruộng; Khi dùng thuốc cần đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”.
Ngoài các đối tượng nêu trên, cần lưu ý ốc bươu vàng trên lúa ở giai đoạn mạ; bệnh bạc lá vi khuẩn, bệnh lem lép hạt, chuột giai đoạn đòng trỗ - chín. Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại thấp.
2. Trên cây trồng khác
- Trên cây ngô: Các đối tượng sâu hại như sâu đục thân, sâu cắn lá, bệnh đốm lá ngô, bệnh khô vằn gây hại nhẹ, rải rác.
- Trên rau: Bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang gây hại mức độ nhẹ đến trung bình.
- Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm có tiếp tục gây hại.
- Cây cà phê: Bệnh khô cành có xu hướng giảm về diện tích nhiễm bệnh.
- Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu giảm nhẹ.
- Cây mía: Bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại.
- Cây nhãn: Chổi rồng nhãn giảm nhẹ về diện tích nhiễm và mức độ hại.
Theo Cục Bảo vệ thực vật