Chiều 19/8, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Sự kiện đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của ngành hàng sầu riêng, bởi có thể mang về thêm 400 - 500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu ngay trong năm 2024 này. Ngoài ra, mặt hàng mới sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Thời cơ đi kèm với thách thức. Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, sầu riêng đông lạnh sẽ chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Cuối năm 2021, Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn mới nhất (GB 2763-2021). Đây là tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm. Tiêu chuẩn này quy định hơn 10.000 mức giới hạn dư lượng tối đa đối với 564 loại thuốc BVTV trong danh mục 376 thực phẩm.
So với tiêu chuẩn cũ GB2763-2019, số lượng loại thuốc BVTV trong tiêu chuẩn mới tăng gần 20%, giới hạn dư lượng thuốc BVTV tăng gần 3.000 loại (tương đương hơn 40%). Đặc biệt, loại thuốc và số lượng mức giới hạn thuốc BVTV gần gấp 2 lần so với tiêu chuẩn liên quan của CODEX.
Từ năm 2022, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chất lượng thực phẩm nhập khẩu, thông qua việc ban hành và áp dụng Lệnh 248, 249. Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn mới nhất GB 2763-2021 đã thiết lập hơn 1.700 giới hạn dư lượng cho gần 100 loại thuốc BVTV chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc.
Nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, bà Phan Thị Mến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa Học và Công Nghệ SUTECH cho biết, tiêu chuẩn của sầu riêng cấp đông khắt khe hơn nhiều so với sầu riêng tươi, đòi hỏi nhà sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn HACCP hoặc tương đương như ISO 22000:2018, BRC, FSCC 22000…
Cơ sở chế biến sầu riêng đông lạnh phải đảm bảo phòng, tránh được các mối nguy về vi sinh vật, nấm men, nấm mốc có trong nguyên liệu khi thu hoạch. Quá trình vận chuyển phải tuyệt đối an toàn, không gây úng, thối cho sản phẩm.
Đặc biệt, những mối nguy về dư lượng thuốc BVTV, dư lượng kim loại nặng... tồn dư trong quá trình canh tác phải được kiểm soát, phòng ngừa. Quá trình tách múi, tách hạt, xay nhuyễn cấp đông cũng yêu cầu cao về việc quản lý, phòng ngừa mối nguy sinh học, hóa học và vật lý để sản phẩm không bị nhiễm vi khuẩn E.Coli, Salmonella… gây tiêu chảy, nhiễm độc đường ruột và một số bệnh lý khác.
Một trong những khuyến cáo được SUTECH đưa ra với nhà xưởng, đó là phải bố trí đảm bảo nguyên tắc 1 chiều. Cụ thể, đường vào của nguyên liệu và đường ra của thành phẩm không được phép cùng 1 đường, tránh lây nhiễm chéo trong quá trình chế biến.
Theo Tổng giám đốc Phan Thị Mến, đối với cơ sở đóng gói sầu riêng tươi, phía Trung Quốc thường dành nhiều sự quan tâm đến các biện pháp kiểm dịch 6 loài sinh vật gây hại trên quả tươi dựa trên Nghị định thư đã ký. Cơ sở đóng gói phải sử dụng các biện pháp vật lý để xử lý rệp như phụt, rửa, xử lý thủ công.
Trong khi đó, đối với đóng gói sầu riêng cấp đông, cơ sở phải đảm bảo quy trình khép kín, chuẩn hóa từ nhân sự tham gia từ đầu vào nguyên liệu đến lúc xử lý sản phẩm, rồi đến thành phẩm.
Người lao động trước khi tham gia vào quá trình sản xuất phải thay đồ bảo hộ lao động (khẩu trang, mũ bảo hộ, găng tay, quần áo đã được khử khuẩn…) tránh để bụi bẩn, tóc, rơi vào sản phẩm, trong suốt quá trình sản xuất.
Ngoài ra, công nhân còn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về điều kiện an toàn thực phẩm, phải có kiến thức nhận diện được những mối nguy và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mối nguy tiềm ẩn ở từng khâu trong quá trình sản xuất. Việc ghi nhật ký, sổ sách về lịch sử lô hàng được thống nhất, có thể bằng điện tử hoặc bằng hồ sơ truyền thống.
Kho lạnh bảo quản sầu riêng cấp đông cũng cần đạt đủ độ lạnh theo quy định (-45 độ C), giúp thành phẩm nhanh chóng được làm lạnh sâu, giữ lạnh lâu, nhằm giữ được hương vị, chất lượng của sản phẩm chế biến. "Sản phẩm sau chế biến cần được đảm bảo độ lạnh, xuyên suốt quá trình vận chuyển cho đến lúc đến tay người tiêu dùng", bà Mến thông tin.
Sầu riêng tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2022. Nhờ việc mở cửa thị trường với loại quả này, xuất khẩu rau quả của nước ta liên tục phá nhiều kỷ lục. Dự kiến năm 2024, ngành hàng có thể đem lại kim ngạch khoảng 7 tỷ USD.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Phan Thị Mến nhận định, để kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục giữ đà khởi sắc thì cần tăng cường tỷ lệ, cũng như số lượng sản phẩm chế biến sâu.
"Trước giờ, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sản phẩm thô, nông sản lại có tính mùa vụ nên hầu hết trái cây tươi của Việt Nam mới chinh phục được tỉnh giáp biên như Quảng Tây, Vân Nam", bà Mến nhận xét và nói thêm, điều này có thể thay đổi với sản phẩm chế biến, vốn được bảo quản trong thời gian dài hơn.
Khi đó, bằng lợi thế về đường biển, rau quả Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào các tỉnh phía Bắc Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, thậm chí tiến xa hơn nữa đến Nhật Bản, hoặc Liên bang Nga.
Hân hoan trong niềm vui chung về sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch, Tổng giám đốc Phan Thị Mến xem đây là giải pháp lâu dài, bền vững cho những nhà vườn còn hạn chế về khả năng cho ra tỷ lệ sầu riêng đồng đều, hoặc quả không đạt đủ số hộc, không đạt yêu cầu về mẫu mã. Đồng thời, sầu riêng cấp đông giúp doanh nghiệp Việt Nam đa dạng được tệp đối tượng khách hàng.
Nhiều cơ hội vươn cao, bay xa cùng sầu riêng đông lạnh nhưng bà Mến vẫn tỏ ra thận trọng trước vận hội mới bởi yêu cầu cao của Trung Quốc dành cho mặt hàng này.
Ở góc độ là đơn vị tư vấn, lãnh đạo Công ty SUTECH đề nghị doanh nghiệp, người dân sớm "xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ". Đây là một trong những bước bắt buộc để tuân thủ HACCP, giúp truy xuất dễ dàng lô sản phẩm đến từ vùng trồng nào trên đất nước Việt Nam.
Ngoài ra, nếu xuất hiện những vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhà nhập khẩu có thể truy ngược lại vườn sản xuất thông qua nhật kí canh tác, lịch sử chăm sóc, quá trình bón phân, sử dụng thuốc BVTV... Cơ quan quản lý Nhà nước cũng dựa vào đó, thuận tiện hơn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) được đánh giá là sản phẩm tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Theo một số thương lái hoạt động trong lĩnh vực sầu riêng, 1 container sầu riêng đông lạnh có thể đạt giá trị gấp 2-2,5 lần so với sầu riêng tươi.