LTS: Ngày 19/8, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư mở đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đối với 3 mặt hàng: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu.
Điều này giúp thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng loạt bài phân tích những cơ hội, tiềm năng cũng như một số khuyến cáo của các chuyên gia về 3 ngành hàng: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Ban Mê Green Farm cho biết, doanh nghiệp lâu nay vẫn làm công tác bóc múi, cấp đông. Tuy nhiên, Việt Nam chưa được Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch nên chỉ bán cho các doanh nghiệp khác.
Theo bà Thanh, trước đây có thông tin Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng kho xưởng, làm hồ sơ cấp mã. Cụ thể, kho cấp đông của doanh nghiệp năm nay dự kiến sẽ bóc múi gần 10.000 tấn.
“Số lượng bóc múi nhiều nhưng không thấm vào đâu so với tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Do đó, sầu riêng đông lạnh khi xuất khẩu chính ngạch sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà xuất quả tươi gặp phải trong thời gian qua.
Hiện nay điều kiện nhà xưởng và kho cấp đông của doanh nghiệp đã xây dựng đúng theo tiêu chuẩn. Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với xuất quả tươi. Phương án này tốt hơn nhưng các tiêu chí để được có mã sẽ khắt khe hơn. Hiện nay mới có khoảng 50 xưởng làm cấp đông”, bà Thanh nói.
Nữ chủ tịch cho biết thêm, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông sẽ giải quyết bài toán lâu dài cho ngành hàng. Cụ thể, sầu riêng cấp đông sẽ giúp hạn chế sinh vật gây hại vào nước nhập khẩu và giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường rác thải trong quá trình xử lý vỏ sầu riêng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc HTX xuất nhập khẩu G1, để chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng cấp đông, đơn vị đã đầu tư 4 kho đông lạnh với diện tích 5.000m2, trữ lượng hàng mỗi ngày có thể đạt công suất 18 tấn.
Theo bà Hương, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông sẽ giúp HTX có thể sử dụng những quả sầu riêng không đạt tiêu chuẩn để bóc múi cấp đông. Hiện nay xuất khẩu quả tươi sang thị trường Trung Quốc đang được kiểm soát chặt nên sản phẩm cấp đông sẽ dễ dàng quản lý hơn.
“Trước giờ hàng cấp đông toàn đi qua đơn vị thứ ba, do đó nếu được xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí và đạt lợi nhuận tối đa. So với quả tươi, hàng cấp đông nếu làm chuẩn thì sẽ không có rủi ro. Ngoài ra, làm cấp đông sẽ không bị ảnh hưởng khi giá sầu riêng trên thị trường sụt giảm", bà Hương chia sẻ.
Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho rằng, việc xuất khẩu hàng cấp đông sang thị trường Trung Quốc được các doanh nghiệp chờ đợi từ nhiều năm nay.
Theo bà Vy, việc hai nước ký nghị định thư là tính hiệu vui không chỉ cho ngành hàng sầu riêng mà của nhiều loại trái cây khác.
"Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu. Để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh doanh nghiệp đã chuẩn bị từ rất lâu. Doanh nghiệp đã đầu tư kho xưởng và đạt được các chứng nhận để xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Việc xuất khẩu cấp đông sẽ đóng góp lớn cho ngành hàng. Cụ thể tỷ lệ đóng góp cho ngành sầu riêng tăng khoảng 20%”, bà Tường Vy nói thêm.
Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH, đơn vị chuyên tư vấn xuất khẩu nông sản cho biết, tổng diện tích vùng trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 150.000ha. Trong đó, sản lượng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu chiếm gần 20%, như vậy chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bà Mến, một số lượng lớn sầu riêng sẽ được đưa vào quá trình sơ chế, tách múi cấp đông hoặc cấp đông nguyên trái để đảm bảo giữ được giá trị của sản phẩm sầu riêng.
Lâu nay, sản phẩm sầu riêng tươi yêu cầu nghiêm ngặt về đối tượng kiểm dịch và hình thức sản phẩm, tỷ lệ trái đạt chuẩn quy cách xuất khẩu. Do đó, một vườn sầu riêng được canh tác bài bản chỉ có tối đa 70% trái tươi đạt chuẩn xuất khẩu. Từ đó, sản phẩm còn lại có thể bóc múi cấp đông xuất khẩu.
“Từ xưa đến nay, Việt Nam chủ yếu có tiềm năng, lợi thế xuất khẩu sản phẩm thô. Việc chế biến như cấp đông, sấy thăng hoa... sẽ làm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hình thức xuất khẩu. Ngoài ra, nông sản lâu nay được làm theo mùa vụ nên gặp áp lực tiêu thụ. Đối với mặt hàng cấp đông, doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc lưu trữ, cung ứng khi thị trường cao điểm dịp lễ, tết, trái vụ”, bà Mến nói.
Theo bà Mến, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang xây dựng hồ sơ cấp mã kho đông lạnh để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. “Việc xuất khẩu cấp đông sẽ đóng góp lớn về kim ngạch cho toàn ngành sầu riêng. Cấp đông cũng giúp giải quyết bài toán thời vụ, quản lý chất lượng sản phẩm mà lâu nay quả tươi gặp phải”, bà Mến nói thêm.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, sầu riêng xuất khẩu quả tươi hiện nay đạt khoảng 60% sản lượng của Việt Nam. Như vậy, sầu riêng còn khoảng 40% phải tiêu thụ nội địa hoặc chế biến sâu.
Do đó, khi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông sẽ giúp tăng thêm khoảng 20% ngành hàng. Như vậy, cộng quả tươi và cấp đông thì sản lượng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc sẽ đạt hơn 80%.
"Việc cấp đông sẽ giúp giám sát chất lượng tốt hơn, kiểm soát từ ngay khâu đóng gói, giúp cho hàng không vi phạm các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu”, ông Côn thông tin.
Các doanh nghiệp đang tiến hành thiết lập hồ sơ để xin cấp mã kho cấp đông phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, xuất khẩu cấp đông sẽ có thêm nhiều hướng phân phối, đa dạng thị trường, đa phương thức chế biến, thu hút được nhiều dự án đầu tư hấp dẫn cũng như thực hiện kết nối logistics ra bên ngoài thuận lợi hơn. Do đó, nếu chuyển sang xử lý sầu riêng cấp đông, phục vụ các yêu cầu chế biến chuyên sâu, không còn bị lệ thuộc thời gian mùa vụ, sầu riêng Việt Nam lại càng có ưu thế cạnh tranh với thị trường các nước”, ông Côn nói.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sẽ giảm áp lực từ câu chuyện thu hoạch, bảo quản và quá trình vận chuyển đến cửa khẩu.
“Khi cấp đông sẽ giúp sản lượng tăng lên. Hàng xử lý ngay tại cơ sở ở các địa phương sẽ thuận lợi hơn. Sầu riêng cấp đông là sản phẩm có giá trị lớn nên sẽ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Xuất khẩu cấp đông sẽ giúp giảm khâu kiểm dịch thực vật như quả tươi. Do đó, sầu riêng cấp đông sẽ hạn chế tối đa vi phạm. Hiện nay Đắk Lắk đã có nhiều cơ sở cấp đông, quan điểm của địa phương là tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Hà nhấn mạnh.