Đó là quan điểm của TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) khi trao đổi xung quanh Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đạt được mục tiêu nâng thu nhập của người dân nông thôn đến năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020 (như mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) là vấn đề không hề đơn giản. Bởi giai đoạn trước ngành nông nghiệp đã bứt phá rất tốt nhờ việc tận dụng đất đai và quay vòng sử dụng đất. Nhưng nếu trong giai đoạn tới chúng ta vẫn tiếp tục thâm dụng tài nguyên thì có thể sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực.
TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Duy Học.
Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê, hiện nay chúng ta có 9,1 triệu hộ nông dân, trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 1-3 mảnh ruộng, mỗi mảnh từ 1.500 đến 2.000m2. Trong đó có khoảng 7,6 triệu hộ trồng lúa với tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,7 - 3,8 triệu ha.
Với quy mô manh mún như vậy, nếu chúng ta không có cách tiếp cận mới, thì chắc chắn việc tăng thu nhập của người nông thôn rất khó.
Trước đây, chúng ta đã làm khá tốt trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thì thế, dư địa để tăng năng suất, sản lượng gần như đã đến giới hạn. Để tăng thu nhập cho nông dân, không còn cách nào khác, chúng ta phải làm sao để cho người nông dân chuyển đổi được sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
“Nguyên tắc vàng” để đạt hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là chi phí tối thiểu, giá bán tối đa. Rất nhiều lần các chuyên gia nông nghiệp và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề liên kết sản xuất. Khi người nông dân liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác để mua chung vật tư nông nghiệp với số lượng lớn, thì chắc chắn sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn những hộ nông dân đơn lẻ.
Đặc biệt, khi nhiều hộ góp đất để hình thành mảnh ruộng to hơn, việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất sẽ dễ dàng hơn, chi phí cũng thấp hơn. Khi bà con cùng nhau sản xuất các sản phẩm đồng điệu về chất lượng, mẫu mã, cánh cửa để liên kết, hợp tác với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sẽ lớn hơn bao giờ hết. Bởi một doanh nghiệp dù lớn đến mấy cũng không thể nào hợp tác với gần 10 triệu hộ nông dân được. Và ở một trình độ cao hơn, nếu chúng ta ứng dụng các công nghệ sơ chế, chế biến và đưa các giá trị văn hoá, xã hội vào một sản phẩm, chắc chắn giá bán sẽ cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ là một khía cạnh của kinh tế nông thôn. Thực tế hiện nay thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn chỉ chiếm khoảng chưa đến 20%, và 80% thu nhập còn lại đến từ khu vực phi nông nghiệp. Trong đó rất nhiều lao động nông thôn đi làm ăn xa quê, nhất là các đô thị. Tuy nhiên, đây là điều chúng tôi rất trăn trở và ẩn chứa sự bất ổn. Rất nhiều người trong số họ không được đăng ký thường trú, không có được những điều kiện sinh hoạt và làm việc như người dân thành thị.
Bởi vậy, trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 20221-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một nội dung rất hay, đó là chính thức hoá "lao động phi chính thức" rút ra từ nông nghiệp, tạo điều kiện cho họ tiếp cận cơ hội như người thành thị. Bước đầu, chúng ta có những cơ sở để xác định, định danh, tổ chức lại đội ngũ lao động.
Ngoài tận dụng việc làm từ việc khai thác thương hiệu sản phẩm đặc thù vùng miền, chúng ta cần phát triển việc làm tại chỗ bằng cách tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư ở nông thôn, vùng nguyên liệu nông sản, nhất là công nghiệp chế biến, bảo quản, thương mại dịch vụ... từ đó tạo ra hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Khi chúng ta kéo được lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, quá trình tích tụ ruộng sẽ diễn ra, từ đó dần dần hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Chúng ta phải thay đổi để xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm có hệ thống từ người sản xuất, người chế biến đến người tiêu dùng. Ảnh: Minh Phúc.
Một bất cập nữa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đó là người nông dân của chúng ta vẫn đang dùng rất nhiều loại hoá chất và sản phẩm hoá học, thuốc bảo vệ thực vật. Trước kia, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đơn giản là bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng bây giờ, rất nhiều yếu tố bắt buộc chúng ta phải thay đổi để xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm có hệ thống từ người sản xuất, người chế biến đến người tiêu dùng.
Sắp tới, nhiều quốc gia bắt đầu đánh thuế cao đối với sản phẩm không góp phần bảo vệ môi trường, hoặc sản phẩm xâm hại đất rừng. Ví dụ, như sản phẩm cà phê nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận là không phá rừng bất hợp pháp, hoặc sản phẩm phải chứng minh được là không làm phát thải quá nhiều các bon. Như vậy, trước sự biến đổi xu thế tiêu dùng, chúng ta muốn tồn tại và thích ứng với thị trường thì buộc phải thay đổi.
Trong Chiến lược đã đặt ra mục tiêu rất rõ từ nay đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường.
Thực ra phải nói rằng từ nay đến năm 2050 sẽ còn gần ba thập niên nữa. Đó là một quá trình mà ngành nông nghiệp của chúng ta phải hướng tới. Vậy mục tiêu ấy có tính khả thi hay không?
Ở mỗi khía cạnh, các quốc gia sẽ có vị thế khác nhau trên trường quốc tế. Ví dụ, về mặt xuất khẩu nông sản, Việt Nam đứng thứ 17 thế giới. Rất nhiều nông sản của chúng ta cũng có chỗ đứng khá tốt trên thị trường (như gạo đứng top 3 thế giới; cà phê đứng thứ 3 thế giới, trong đó cà phê Robusta đứng thứ nhất thế giới; điều thì chúng ta đứng số 1-2 thế giới).
Bên cạnh đó, cần phải tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm, kể cả các sản phẩm tưởng chừng như bỏ đi như vỏ trấu. Bởi từ vỏ trấu, chúng ta có thể ép bánh để làm nguyên liệu đốt, thậm chí có thể chiết xuất ra những tinh chất rất tốt để sử dụng trong y học.
Với những định hướng đã đề ra trong Chiến lược, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và trở thành một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu nông sản. Đồng thời tôi cũng hy vọng nông nghiệp sẽ trở thành dấu hiệu nhận biết của Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp để trở thành bếp ăn hay thành vườn của thế giới.
Trong quá trình xây dựng Chiến lược, Bộ NN-PTNT đã thực sự cởi mở tư duy để thu nhận ý kiến đóng góp của rất nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế.
Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản.
Bản Chiến lược chỉ gói gọn trong 20 trang thôi, nhưng để ra được chiến lược đó thì có rất nhiều báo cáo của từng lĩnh vực cụ thể đi kèm. Các báo cáo đã đánh giá rất rõ những điểm chưa bền vững của ngành nông nghiệp (từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, nước, đất...). Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển nông thôn tuy đạt được nhiều thành tựu, điển hình là chương trình xây dựng nông thôn mới có rất nhiều kết quả nổi bật. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề tồn tại như ô nhiễm môi trường, vấn đề thúc đẩy sinh kế và an sinh cho người nông dân hay tạo việc làm cho họ một cách ổn định...
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm rất nhiều điểm mới, không chỉ tập trung vào vấn đề nông nghiệp mà tập trung rất nhiều vào câu chuyện nông thôn và nông dân. Những định hướng vừa mang tính vừa bao trùm, vừa mang tính cụ thể cho cả ba khu vực. Trong đó, nổi bật là những quan điểm về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trách nhiệm, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển hợp tác xã, linh hoạt trong sử dụng đất nông nghiệp, chính thức hoá “lao động phi chính thức” rút ra từ nông nghiệp; hình thành một nền kinh tế dịch vụ khu vực nông thôn; đa dạng hoá chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với lợi thế vùng miền, hoàn cảnh và cơ hội phát triển của địa phương; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...