Trong 7 vùng kinh tế - sinh thái của cả nước, Tây Nguyên là một trong những vùng có tiềm năng lớn nhất. Trước hết, vị trí của Tây Nguyên rất đặc biệt, ở trên vị trí độ cao được hình thành của núi lửa, tạo ra hệ thống đá bazan và đất bazan với trữ lượng lớn nhất cả nước.
Từ bazan đã tạo ra nhiều khoáng sản quý, đặc biệt là bô-xít nhôm với trữ lượng gần 10 tỷ tấn, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về khoáng sản nhôm, đi theo đó cũng là nhiều loại khoáng sản khác nữa.
Bên cạnh đó, cũng tạo ra điều kiện rất tốt cho sản xuất nông nghiệp, ở đây có đất đỏ bazan màu mỡ vào loại bậc nhất của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng. Ảnh: Đinh Mười.
Vì vậy, có thể nói, Tây Nguyên là vùng rộng lớn với 5 tỉnh, tỉnh nào cũng đều có tiềm năng rất lớn nằm trên các bình nguyên, trên cao nguyên mà ở đó có độ che phủ rừng tự nhiên nguyên sinh với những rừng đặc hữu mà ít nơi có ở trên đất nước chúng ta. Ví dụ như toàn bộ rừng thông ở vùng Lâm Đồng, rừng Khộp ở vùng Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk,...
Với những điều kiện như vậy, hệ thống khí tượng thủy văn cũng khá thuận lợi, mặc dù là 2 mùa nhưng hệ thống dòng chảy, hệ thống lượng mưa hàng năm cũng như các điều kiện về nhiệt độ, lượng ánh sáng trực xạ của mặt trời đã tạo ra cho Tây Nguyên thành nơi có những tiềm năng rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói Tây Nguyên là nơi tập trung sản xuất nông nghiệp lớn của Việt Nam, một trong những vùng lớn nhất của nước ta về nông nghiệp với các cây công nghiệp cho xuất khẩu, hướng ra xuất khẩu như: Cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, mắc ca, sắn, ngô, bơ, sầu riêng, chanh dây, trà Ô Long, sâm Ngọc Linh,… và gần đây là ca cao.
Tây Nguyên cũng là nơi xây dựng hạ tầng giao thông gặp nhiều thuận lợi bởi nền địa chất tốt, do đó việc làm đường sá, cầu cống, hay các công trình xây dựng cũng ít gặp khó khăn.
Tây Nguyên phát triển từ năm 1975 đến nay là rất lớn, từ chỗ Tây Nguyên chỉ có trên dưới 1 triệu dân thì đến nay đã tăng lên hơn 5 triệu dân.
Đây cũng là nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc của cả nước, hầu hết các dân tộc của Việt Nam đều có mặt ở đây, là khối đại đoàn kết rất tốt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tây Nguyên là một trong những vùng kinh tế - sinh thái có tiềm năng lớn nhất nước. Ảnh: Đinh Mười.
Điểm nghẽn ở Tây Nguyên thì rất nhiều nhưng đầu tiên tôi nghĩ đến là hệ thống giao thông rất kém. Hệ thống giao thông từ các tỉnh kết nối đến Tây Nguyên chưa đảm bảo bởi quy mô các quốc lộ ở đây cũng rất nhỏ, cấp đường lại chưa tốt, đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư và phát triển Tây Nguyên.
Đường từ trung tâm các tỉnh của Tây Nguyên xuống các huyện, các xã hiện nay cũng chưa tốt, có thể nói là chưa được bê tông hóa, nhựa hóa với quy mô đảm bảo để lưu thông hàng hóa, đi lại cũng như đầu tư cho phát triển và tạo môi trường cho nhân dân có đời sống, kinh tế xã hội và an sinh tốt.
Ví dụ như về du lịch, Tây Nguyên có nhiều cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, nhiều du khách muốn về trải nghiệm nhưng do đướng sá không thuận lợi nên đã vô tình đánh mất lợi thế trời ban.
Cái thứ 2 về “điểm nghẽn” là hệ thống phát triển kinh tế của Tây Nguyên chưa có sức hút thật sự đối với các nhà đầu tư.
Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân về an ninh, chính trị, trật tự xã hội, có những nguyên nhân về hệ thống hạ tầng yếu kém và quá xa so với các nơi khác, rồi nguồn nhân lực của Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như về cơ chế, chính sách và thậm chí cũng do chính bản thân của các địa phương chưa năng động sáng tạo hoặc chưa có chính sách đúng đắn cho các nhà đầu tư tới.
Cà phê là một lợi thế vượt trội tại Tây Nguyên.
Do đó, nhiều người chưa biết đến Tây Nguyên lắm đâu, người ta bị lẫn lộn tỉnh này với tỉnh kia hoặc thậm chí người ta không biết Tây Nguyên có tiềm năng lớn như thế nào. Đấy là điều đáng tiếc.
Tôi nghĩ, đấy là những điểm nghẽn quan trọng, đương nhiên cũng có những cái thuộc về cơ chế chính sách của Trung ương đối với Tây Nguyên cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức để vùng đất này phát triển.
Để khơi gợi, để khai thác tiềm năng mà ít nơi có như Tây Nguyên, chúng ta cần có những chính sách cụ thể để có thể khai thác, phát triển hết tiềm năng của vùng đất này.
Trước hết tôi nghĩ cần phải có một chính sách cho Tây Nguyên. Những năm 2000, Trung ương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và cũng có nhiều chính sách, trong đó tập trung nhiều hơn cho an ninh trật tự xã hội, có một phần về kinh tế nhưng chưa đủ mạnh.
Do đó, việc đầu tiên tôi nghĩ là Trung ương cần một nghị quyết, một chính sách, một quyết định về phát triển Tây Nguyên.
Trong đó có cơ chế ưu đãi, cơ chế đầu tư, cơ chế chủ quản, cơ chế mở đường hoặc tạo hành lang pháp lý cũng như môi trường cho Tây Nguyên phát triển và đồng thời kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đến tham gia đầu tư, khai thác và phát triển Tây Nguyên. Do đó, “cái quan trọng nhất là cơ chế chính sách của Trung ương, của Chính phủ”.
Thứ 2, tôi cho rằng các địa phương dứt khoát phải năng động, bởi điểm khá yếu của Tây Nguyên là hệ thống hành chính, các cơ chế hành chính và xếp hạng của Tây Nguyên đều rất thấp so với cả nước, đây là một cái yếu kém chủ quan.
Thứ 3, cần phải đầu tư hạ tầng cho Tây Nguyên, quan trọng nhất là đường giao thông. Nếu có hệ thống đường cao tốc chạy qua tất cả các tỉnh của Tây Nguyên, nối với TP. HCM, nối với Hà Nội, với Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn,... thì tôi nghĩ sẽ hoàn toàn thay đổi.
Cần có những cơ chế, chính sách thân thiện để thu hút các nhà đầu tư lớn vào Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.
Về lâu dài, cần nghiên cứu hệ thống đường sắt từ cảng Thị Vải của TP HCM lên Đắk Nông để giải quyết bài toán vận chuyển, trước mắt là bô-xít và nông sản cho Tây Nguyên. Cần xây dựng đường sắt từ Vũng Rô lên Buôn Mê Thuột, cái này đã nằm trong quy hoạch của Tổng Cục đường sắt và Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được xếp vào danh mục đầu tư trong những năm sắp tới.
Tôi nghĩ trong tầm nhìn đến những năm 2030 hoặc tới 2050, những dự án này nên tiến hành.
Về hệ thống hàng không, hiện nay Tây Nguyên có 3 sân bay nhưng nói chung là quy mô rất nhỏ, lượng khách, số giờ bay, chuyến bay rất thấp và chưa có đường bay quốc tế. Cái này cũng cần xem xét và nghiên cứu trong thời gian tới.
Hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tây Nguyên như Xuân Thiện, CP, Greefeed, Đồng Giao, Tập đoàn TH, De Heus, Hùng Nhơn Group... Tôi nghĩ rằng, việc thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư, chính sách chung của Chính phủ như hiện nay là hợp lý và đầy đủ rồi, vấn đề còn lại là các địa phương và việc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vướng mắc của Tây Nguyên thì sẽ được.
Trong đó, đầu tiên, các địa phương cần chủ động mời gọi đầu tư, tổ chức hội thảo để giới thiệu đầu tư vào tỉnh của mình.
Hai nữa là phải có cơ chế, chính sách thân thiện, chính sách một cửa, thủ tục nhanh gọn và dứt khoát, phải rõ ràng, rành mạch.
Thứ 3, cần phải chuẩn bị hạ tầng thật tốt, ví dụ như đường sá, khi nhà đầu tư đến thì sẽ làm ở đâu, làm khu công nghiệp hay làm riêng, làm chỗ nào, rồi phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, tổ chức đào tạo đội ngũ công nhân và những người quản trị doanh nghiệp là người địa phương, đặc biệt là người đồng bào các dân tộc.
Hiện nay, người Tây Nguyên đi làm ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ rất đông, hàng trăm nghìn người, nếu có các nhà máy, khu công nghiệp ở Tây Nguyên thì đồng bào không nhất thiết phải đi xa để làm việc mà làm ngay ở quê hương, chắc chắc sẽ có nhiều cái lợi.
Chính sách này ở Tây Nguyên chưa tốt, vì vậy, các địa phương cần đào tạo, cần chủ động làm ngay và làm tốt thì mới giải quyết được bài toán.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần tích cực có những đóng góp trong việc giúp đỡ các tỉnh Tây Nguyên đang chậm hoặc thiếu hụt cơ chế chính sách về lĩnh vực của mình, trong đó có cả vấn đề đầu tư FDI, cần xem xét và mở rộng hơn.
“Tây Nguyên cần tập trung phát triển nông lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp khai thác chế biến bô-xít nhôm ra Alumin chế biến nhôm. Tạm dừng thuỷ điện và tăng cường phát triển điện mặt trời, điện gió và cuối cùng là du lịch dịch vụ”, TS. Nguyễn Văn Lạng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch tỉnh Đăk Lăk