Tại một số vùng trồng cà chua chủ lực của tỉnh Lâm Đồng như xã Ka Đơn, Tu Tra (huyện Đơn Dương), xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng)… phần lớn diện tích đều bị ảnh hưởng bởi bệnh xoăn lá virus. Nhiều hộ chuyên canh cà chua tại khu vực này cho biết từ tháng 8 đến nay có khoảng 70% diện tích bị bệnh, quả sần sùi không đạt chất lượng.
Anh Minh Tuệ (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) cho biết mỗi sào cà chua trước đây có thể thu hoạch 12 tấn, nhưng hiện chỉ vớt vát 3-4 tấn.
Anh Tuệ vớt vát những quả cà còn sót lại trong ruộng của mình. Ảnh: Phạm Oanh.
“Cà chua đến thời điểm lên dây hai, dây ba đồng loạt cháy lá, ban đầu từ vài cây nhưng khoảng 2 ngày sau thì lan rộng ra cả vườn. Cây nhiễm bệnh còi cọc, quả xấu không thể bán nên tôi đã nhổ bỏ hơn phân nửa để tránh thiệt hại nhiều hơn”, anh Tuệ nói.
Cũng theo anh Tuệ, những ruộng diện tích lớn ước tính số tiền có thể mất đến vài trăm triệu đồng. Nhiều địa phương đã tính đến việc hỗ trợ thiệt hại với mức 2 triệu đồng cho mỗi ha cà chua nhiễm bệnh.
Lão nông Trương Ngọc Hoàng (huyện Đơn Dương), chia sẻ bệnh xoăn lá cũng xuất hiện ở những vụ trước nhưng phạm vi hẹp, mức độ thiệt hại không đáng kể như vài tháng trở lại đây.
“Năm ngoái, cùng diện tích này có thể kiếm hơn 35 triệu, nhưng tình hình này thì dù giá tăng nhiều lần chắc ruộng tôi cũng chỉ thu được không quá 5 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này không đủ bù chi phí giống, phân bón”, ông Hoàng bộc bạch.
Do dịch bệnh nên thời điểm này cà chua rất khan hiếm. Giá thu mua tại vườn được thương lái đẩy lên cao gấp3-4 lần bình thường nhưng vẫn không có hàng để bán. Theo ghi nhận tại một số vựa cà chua lớn ở huyện Đơn Dương, giá cà loại 1 đang xấp xỉ 15.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 10.000 đồng/kg.
Nhiều ruộng cà chua không được thu hoạch do kém chất lượng. Ảnh: Phạm Oanh.
Anh Minh (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) cho biết bình thường giá cà chua dao động 5.000 - 8.000 đồng/kg là nông dân có lãi. Tuy nhiên, do sản lượng giảm mạnh nên dù giá cao như hiện nay vẫn không thể bù được chi phí bà con đã đầu tư.
“Nếu bệnh xoăn lá kéo dài một tháng nữa thì người dân nơi đây cũng không có cà chua để ăn. Xã Ka Đơn xưa nay nổi tiếng với cà chua nhưng sau vụ này tôi không còn mặn mà nữa. Giờ nhiều hộ cũng đang lựa chọn cây trồng thay thế, khó lòng bám trụ được", anh Minh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, bệnh xoăn lá virus trên cà chua xuất hiện cách đây hơn 10 năm, nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây là thời điểm bùng phát mạnh nhất. Hai vùng chuyên canh cà chua lớn nhất của tỉnh là huyện Đơn Dương và Đức Trọng đang chịu thiệt hại nặng, với 936 ha nhiễm bệnh. Đã có 128 ha cà chua nông dân phải nhổ bỏ và tiêu hủy.
Nhiều diện tích cà chua đã bị nhổ bỏ để thay thế bằng nhiều loại cây trồng mới. Ảnh: Phạm Oanh.
"Bệnh tập trung nhiều ở cây đang giai đoạn sinh trưởng 25 – 40 ngày tuổi nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng”, bà Loan nói.
Bà Loan cho biết thêm hiện bệnh xoăn lá virus trên cà chua chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị. Để hạn chế mầm bệnh phát triển, việc tiêu hủy cây bệnh và quản lý chất lượng giống, luân canh cây trồng là những biện pháp đang được ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng.
Phạm Oanh (zing)
Nguồn: tintucngongnghiep.com