Chiều 11/11, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Nhìn lại công tác, chỉ đạo điều hành vượt khó của ngành Nông nghiệp giữa đại dịch COVID-19”.
Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT) |
Thông tin tại buổi Tọa đàm cho biết, trong 9 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Đó là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới, đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta.
Trong khi đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, người nông dân và các doanh nghiệp, 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) của ngành Nông nghiệp quý III tăng 1,04% so với quý III năm 2020. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của ngành đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,30%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.
Trong 9 tháng vừa qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường,…
Tại Tọa đàm, nhìn lại những khó khăn của ngành chăn nuôi - một trong những lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau trận “bão giá” năm 2017, dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, đặc biệt 2 năm nay là dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới… khiến chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi bị đứt gãy hàng loạt, đầu vào với giá thức ăn tăng cao, giá sản phẩm giảm. Dù vậy, điều đáng mừng là trước những thách thức đó, ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển từ 4-6%, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong nước và một phần xuất khẩu.
Năm 2021, ước tính sản lượng thịt sẽ đạt 6,2 triệu tấn; 1,2 triệu tấn sữa… Nếu dịch COVID-19 cơ bản kiểm soát được thì ngành chăn nuôi tự tin sẽ chủ động cung cấp được đủ thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Hiện tại, dù xuất khẩu sụt giảm, giá trị xuất khẩu không cao nhưng chúng ta vẫn đang duy trì được. Đây cũng là sự cố gắng rất lớn của ngành chăn nuôi trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Đồng thời, để đạt được các mục tiêu của ngành chăn nuôi đề ra trong thời gian tới, ông Trọng cho rằng, ngành chăn nuôi phải sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, giá thành hạ. Trên cơ sở đó, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghệ hiện đại tiên tiến cả về giống, cả về công nghệ… Bên cạnh đó, phải thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai và chủ động trong sản xuất mới có thể phát triển bền vững.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Bộ NN&PTNT), ngành Nông nghiệp để có kết quả như vừa qua do nhiều yếu tố quan trọng, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, do Việt Nam đã tham gia hội nhập với 17 hiệp định thương mại tự do. Đây là mấu chốt đưa nông sản của Việt Nam ra nước ngoài khi gần như các dòng thuế trở về bằng 0. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, có sự đa dạng về các mặt hàng nông sản mà nhiều nước không có được…
Tại Tọa đàm, đại diện của doanh nghiệp nông nghiệp cũng cho rằng, để tiếp tục có những kết quả tốt về mặt xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất. Kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến kiểm nghiệm sản phẩm. Bởi những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo các lô hàng xuất khẩu, tránh thiệt hại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác cùng xuất khẩu tương tự./.