Bộ kít chuyên dụng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật |
Cụ thể khi có bộ kít, Ban Giám đốc HTX trồng chanh An Hiệp phân công thành viên tiến hành kiểm tra thường xuyên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm chuẩn bị xuất bán của nhà vườn; đảm bảo chanh được xuất bán là chanh an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Trần Hoàng Lạc, Xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, qua quá trình kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong trái chanh, người dân đã có thêm hiểu biết để sản phẩm làm ra an toàn và ai cũng có thể kiểm tra thử. Sản phẩm làm ra đã không còn bị ảnh hưởng bởi vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ban giám đốc HTX chanh An Hiệp cũng được Chi cục quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật test nhanh; đồng thời hỗ trợ dụng cụ test nhanh trong vòng 5 tháng. Trung bình mỗi tháng HTX phải tiến hành kiểm tra 4 lần, mỗi lần là 12 mẫu chanh của nhà vườn. Khi chanh gần tới ngày thu hoạch, nhà vườn sẽ chủ động thông báo để đại diện HTX tiến hành kiểm tra nhanh mẫu và thông báo kết quả để thành viên an tâm sản xuất.
Thực tế cho thấy, qua kiểm tra hầu hết các mẫu chanh tại HTX đều đạt ngưỡng an toàn, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Từ ngày có thiết bị này, việc sản xuất, chăm sóc và xuất bán đã được thành viên sản xuất chanh an tâm hơn rất nhiều.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc HTX chanh An Hiệp chia sẻ: Tất cả hàng hóa, nông sản và riêng về sản phẩm chanh khi không có thuốc bảo vệ thực vật ra ngoài thị trường sẽ tạo được lòng tin cho người tiêu dùng.
Theo Chi cục quản lí chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh Đồng Tháp, đơn vị có kế hoạch trang bị bộ dụng cụ kiểm tra nhanh dư lượng cho các HTX sản xuất rau, trái cây và 1 HTX chăn nuôi. Qua trang bị, cấp phát…đến nay Chi cục đã cấp phát được hơn 40 bộ dụng cụ kiểm tra cho 8 HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi tháng các HTX nhận hỗ trợ thực hiện kiểm tra 4 lần, mỗi lần khoảng 10 mẫu tương ứng.
Bà Võ Thị Tường Linh, Trưởng Phòng Quản lí chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản – thủy sản tỉnh Đồng Tháp thông tin, mỗi HTX sản xuất rau củ quả dự kiến được cấp phát 20 hộp với 4 lần kiểm tra trong tháng. HTX chăn nuôi được hỗ trợ 6 hộp test nhanh. Cùng với đó Chi cục còn tiến hành tập huấn cho các HTX.
Không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây là mục tiêu đặt ra của nhà vườn Đồng Tháp nhằm hướng đến mọi người tiêu dùng đều có thể sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn./.