Chỉ thị nêu rõ, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đặc biệt tại những vùng đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tại tỉnh Hà Nam, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm chủ động, đảm bảo tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hàng hóa, cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của Nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2771/UBND-NN&TNMT về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nam là tỉnh có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển, tập kết hàng hóa, có khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, để xây dựng một số thương hiệu nông sản của tỉnh, cần xác định đúng lợi thế, những mặt hàng nông sản chủ lực, hạn chế việc đầu tư và hỗ trợ đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối giữa các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện tích tụ đất đai, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Hiện nay, Hà Nam chủ trương thực hiện nhiều giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông sản, lựa chọn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Cùng với đó, tỉnh tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Thúc đẩy quá trình sản xuất tập trung, quy mô lớn, thực thi có hiệu quả chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên các dự án đầu tư liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.
Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất trên đồng ruộng đã giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, an toàn đã đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây chính là cơ hội giúp người dân tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và cung cấp hàng hoá thiết yếu ra thị trường dù dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp chủ trương tiếp tục phát triển trồng trọt theo quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền. Phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm (dưa chuột, bầu bí, rau ăn lá). Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất rau đạt khoảng 9.800 ha, sản lượng 171.000 tấn. Xây dựng thương hiệu cho một số vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực của tỉnh, bao gồm các loại sản phẩm: chuối, vải, nhãn, bưởi và ổi. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tăng lên khoảng 6.300 ha, sản lượng ước đạt 75.000 tấn.
Đẩy mạnh sản xuất tập trung và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tích cực tham gia các cuộc hội thảo, triển lãm, hội chợ do các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và địa phương tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các loại sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; kết nối cơ sở, phối hợp cung ứng chuỗi sản phẩm an toàn giữa Hà Nam với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là Thành phố Hà Nội. Phát triển hình thức tiêu thụ nông sản thông qua các kênh giao dịch trực tuyến và sàn thương mại điện tử.
Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác ít thành viên tập trung đất đai, liên kết tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Năm 2025, phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 150 hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Xây dựng được 10 đến 15 trang trại điểm về sản xuất nông nghiệp sinh thái, theo chuỗi gắn với du lịch trải nghiệm.
Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân; khuyến khích phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản và sản phẩm nông nghiệp truyền thống của tỉnh. Quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử cùng với việc tham gia hội trợ giới thiệu sản phẩm và các Hội nghị kết nối cung cầu sản trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đánh giá xếp hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên. Đến năm 2030 có ít nhất 250 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Trong tương lai Hà Nam sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay tỉnh vẫn còn những hạn chế như kết cấu hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ. Công nghiệp chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhiều nông sản ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn, trong khi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích đủ mạnh để phát triển các mặt hàng nông sản, mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.../.