Thời gian gần đây, cây chanh dây (chanh leo) đang được nông dân một số địa phương, như Kbang, Mang Yang, Đak Đoa… lựa chọn để phát triển thay thế một số cây trồng khác nhờ giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Với đà phát triển này, cây chanh dây đang được các cơ quan chuyên môn định hướng đưa vào quy hoạch, phát triển thành vùng nguyên liệu chế biến trong những năm tới.
Tổng hợp sơ bộ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến nay, cây chanh dây đã có mặt tại một số huyện như Kbang, Mang Yang, Đak Pơ, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku với diện tích 251 ha. Trong đó, diện tích trồng mới trong năm 2015 là 107,7 ha và diện tích thu hoạch thường xuyên 143,4 ha. Cây chanh dây được người dân tự mua giống ở tỉnh khác về trồng rải rác tại hộ gia đình theo hình thức tự phát. Chanh dây sinh trưởng phát triển tốt, thích ứng với đất đai thổ nhưỡng nhiều vùng, đặc biệt vốn đầu tư trồng chanh dây không lớn như các loại cây trồng khác là một trong những tiêu chí được nông dân lựa chọn chuyển sang trồng. Theo ước tính, một ha chanh dây hiện nay nếu đầu tư trồng mới có giá cao nhất khoảng 100 triệu đồng tiền giống, phân bón, ống tưới, giàn dây… trong khi thời gian thu hoạch sớm hơn các cây trồng khác, chỉ sau 5 tháng trồng đã cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt 102,4 tạ/ha, giá bán quả tươi hiện nay 10.000-15.000 đồng/kg tùy theo quả đẹp hay xấu. Sản phẩm thu hoạch được tư thương tìm đến tận vườn để thu mua rồi sơ chế xuất đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận khác…
Ông Nguyễn Đức Sơn, thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang cho hay: Gia đình tôi trồng 1,5 ha chanh dây từ tháng 7 (âm lịch) năm 2014. Qua thu hoạch thực tế, trồng chanh dây có lãi thật. Nếu quả tươi, đẹp, hiện tư thương thu mua 13.000-17.000 đồng/kg. Với 1,5 ha của gia đình mỗi năm thu rộ 3-4 đợt, còn lại thu lai rai quanh năm. Tính từ năm ngoái đến năm nay gia đình đã thu về 400 triệu đồng, trong đó lãi năm thứ 2 này khoảng 100 triệu đồng. Làm chanh dây nhàn và khỏe hơn so với trồng cà phê và hồ tiêu. Cứ 3-4 tuần thu hoạch 1 lần. Với giá bán thuận lợi như hiện nay, thời gian tới gia đình tôi sẽ trồng thêm 2 ha nữa. Cũng theo ông Sơn hiện tại trên địa bàn huyện Mang Yang đã có 2 cơ sở chế biến chanh dây thô. Thị trường tiêu thụ hiện nay phần lớn ở Nghệ An và Bình Phước… có nhiều người tìm đến nhà vườn để thu mua.
Trước tình hình cây chanh dây đang phát triển mạnh với mức giá thu mua như hiện nay giúp nông dân có lãi cao hơn so với các loại cây trồng khác là tín hiệu tích cực trong lựa chọn cơ cấu cây trồng trong những năm tới. Đặc biệt, mới đây, Công ty cổ phần Nafoods Group, thành phố Vinh (Nghệ An) đã có Công văn số 275/ CV- NFG gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh xin chủ trương phát triển vùng nguyên liệu chanh dây trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, Công ty muốn thực hiện quy hoạch tập trung 3.000-5.000 ha đất trồng chanh dây gắn với lộ trình xây dựng nhà máy chế biến, bằng các hình thức liên kết với các hộ dân; các công ty cao su trên địa bàn và Binh đoàn 15, trong đó cho Công ty thuê 500-600 ha đất để tự đầu tư trồng chanh dây… Ngoài ra, Công ty cam kết sẽ cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt là bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vùng nguyên liệu.
Trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, đầu ra thiếu ổn định, việc nông dân trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao đang từng bước mở ra hướng đi mới trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay là điều rất đáng mừng.
Nguồn : www.tintaynguyen.com