Đó là những đề xuất được đưa ra trong hội thảo Tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu do báo Nông Thôn Ngày Nay – Dân Việt tổ chức ngày 15.11 tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội thảo bàn luận sôi nổi các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Quang
Theo Ông Nguyễn Xuân Kiều – Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ lợi Miền núi Phía Bắc (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), BĐKH và nước tưới là vấn đề mà người nông dân hiện nay đang gặp phải hàng ngày, hàng giờ. Chỉ có con đường duy nhất là ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh.
Ông Kiều lấy ví dụ, qua nghiên cứu, như bà con vẫn đang sản xuất, để ra được 1 ly cà phê cần đến 140 lít nước từ khi bắt đầu cho đến khi thu hoạch. Sản xuất ra 1 kg cà phê hạt, nhà nước phải bù lỗ 1.000 đồng để cấp nước. Người dân phải đầu tư thêm 3.000 đồng. Chi phí sản xuất cao nên giá cà phê của Việt Nam cao, khả năng cạnh tranh thấp. Nhưng nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
“Công nghệ tưới tiết kiệm có hiệu quả rất cao nhưng hiện vẫn còn rất nhiều rào cản để có thể áp dụng. Bà con nông dân ta vẫn tư duy tưới nước là phải tưới đẫm cây mới hiệu quả. Do đó vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các nhà khoa học mà còn của các cấp và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp” – ông Kiều chia sẻ.
Theo TS Trần Đại Nghĩa – Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), để tiến hành các biện pháp thúc đẩy áp dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH, việc nghiên cứu, phát triển mô hình phù hợp với từng vùng sinh thái cần được quan tâm, chú trọng.
Mới đây, để thúc đẩy hơn nữa việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7) được triển khai tại 7 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam. Trong đó hợp phần 3 “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” của dự án sẽ xây dựng một số mô hình gồm: mô hình thâm canh bền vững, sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn (lúa, cây ăn quả) và mô hình sản xuất hàng hoá giá trị cao, thâm canh bền vững đa dạng các loại cây trồng cạn, chuyển đổi sử dụng đất lúa một cách linh hoạt.
Mục đích của hợp phần nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hành bền vững (ICM, SRI, ICM…), nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, kết nối được thị trường trong sản xuất; Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên hệ thống canh tác đất cây trồng cạn, đảm bảo tính linh hoạt theo nhu cầu thị trường cho từng loại cây màu, mùa vụ canh tác và xây dựng chuỗi giá trị; Xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu, giảm thiểu tồn dư độc hại đối với sản phẩm sau thu hoạch; Phát huy thế mạnh, lợi thế nông sản, đặc sản ở các vùng miền để tạo giá trị thu nhập cao cho người dân.
Theo Bộ NNPTNT, dự án này triển khai tốt sẽ giúp ngành nông nghiệp vươn tới phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.